Việt Nam được xem “vành đai sỏi” trên thế giới khi có khoảng 2 – 12 % dân số bị sỏi đường tiết niệu và trong số đó có đến 40% là sỏi thận. Tình trạng sỏi thận này có thể sẽ tự đào thải ra bên ngoài nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạng tùy vào mức độ sỏi. Vậy sỏi thận bao nhiêu là nguy hiểm?
1. Sỏi thận là gì?

Chúng ta biết rằng thận có vai trò đào thải các chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể thông qua tiêu tiểu. Nhưng nếu có quá nhiều chất độc, chất thải trong cơ thể và cơ thể không được cung cấp đủ chất lỏng thì những chất này có xu hướng kết tinh, tích tụ lại và sau một thời gian chúng sẽ biến thành các viên sỏi.
2. Nguyên nhân bị sỏi thận

Đa số khi phát hiện sỏi thận, người ta thường tự hỏi tại sao sinh ra bệnh sỏi thận. Thực tế, bạn đã chủ quan trong việc ăn uống của mình và không nhận ra việc đó đã ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào. Cụ thể nguyên nhân tạo ra sỏi thận là:
- Uống không đủ nước
- Chế độ ăn giàu protein
- Ăn nhiều muối và đường
- Tự ý bổ sung các thực phẩm chức năng chứa canxi, vitamin C sai cách
- Mắc bệnh lý liên quan đường tiêu hóa: tiêu chảy, viêm loét dạ dày,…
- Đường tiết niệu bị dị dạng hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu
- Tình trạng béo phì
3. Hậu quả của sỏi thận
Khi sỏi thận rơi vào trường hợp nặng mà không được điều trị, sỏi thận có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm:

- Tắc nghẽn đường tiết niệu: Nếu có một viên sỏi lớn chui vào niệu quản thì khả năng niệu quản sẽ tắc nghẽn rất cao và sự tắc nghẽn này sẽ gây ra những cơn đơn dữ dội ở dưới xương sườn, bụng và háng.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Khi xảy ra tắc nghẽn đường tiết niệu, đường tiểu sẽ thu hẹp lại và tạo ra sự “căng thẳng” cho thận. Tình trạng này nếu kéo dài, người bị sỏi thận sẽ gặp phải tình trạng sốt cao và thận bị tổn thương.
- Suy thận: Một người có quá nhiều sỏi thận hoặc sỏi thận lớn lâu ngày sẽ làm thận suy giảm chức năng và cuối cùng gây ra bệnh lý suy thận. Tuy nhiên, suy thận ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng nên khi phát hiện đã ở giai đoạn gặp nhiều tổn thương.
Ngoài ra, sỏi thận có thể làm thận ứ nước, viêm bể thận cấp,… và rất nhiều bệnh lý khác liên quan đến thận.
4. Sỏi thận bao nhiêu là nguy hiểm?

Các viên sỏi thận tồn đọng trong cơ thể có thể gây ra những biến chứng xấu cho sức khỏe vậy bạn có biết sỏi thận bao nhiêu là nguy hiểm không?
Kích thước nhỏ hơn 5 mm:
- Do loại sỏi này có kích thước nhỏ nên có thể đi qua niệu quản và sẽ tự đào thải ra ngoài theo nước tiểu. Chỉ cần uống nhiều nước hoặc sử dụng một số loại thuốc mà bác sĩ đã chỉ định, sỏi thận sẽ được đào thải sau 4 đến 6 tuần.
- Tuy nhiên, sỏi thận vẫn có thể gây ra các cơn đau đau trong lúc di chuyển từ thận xuống niệu quản và cần thăm khám lại sau khi điều trị.
Kích thước từ 5 đến 20 mm:
- Những triệu chứng thường gặp: cơn đau quặn thận; tiểu buốt, ra máu hoặc mủ;buồn nôn và nôn; sốt và ớn lạnh;v.v.
- Phương pháp điều trị: Tán sỏi, mổ mở, nội soi sau phúc mạc lấy sỏi,…
- Cho dù chúng không gây ra triệu chứng nào thì bạn cũng cần điều trị loại sỏi có kích thước trung bình này để ngăn chặn sự tăng trưởng của chúng.
Kích thước trên 20 mm:
- Những viên sỏi này được xếp vào loại rất nguy hiểm và cần điều trị ngay lập tức bởi vì chúng làm tắc nghẽn đường tiết niệu, nhiễm trùng đường tiết niệu,… ảnh hưởng chức năng của thận.
- Phương pháp điều trị: Tán sỏi qua da, mổ mở, nội soi niệu quản ngược dòng.
5. Đối tượng nào bị sỏi thận dễ gặp nguy hiểm hơn?
Sỏi thận có thể xảy ra ở nhiều độ tuổi và giới tính khác nhau nhưng thường gặp ở:
- Nhóm người uống không đủ nước
- Nhóm người ăn uống không khoa học: ăn nhiều muối, đạm, thực phẩm chứa oxalat cao (sô-cô-la, rau chân vịt,…)
- Nam giới có nguy cơ cao hơn nữ giới
- Nhóm người trong độ tuổi từ 30 đến 60
- Nhóm người mắc một số bệnh liên quan rối loạn chuyển hóa
6. Cách phòng ngừa không bị sỏi thận đơn giản
Người ta thường nói phòng ngừa hơn chữa bệnh, vì vậy các bạn có thể áp dụng những cách thức sau đây để hạn chế nguy cơ bị sỏi thận:
- Uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày và cần uống thường xuyên.
- Giảm lượng muối, protein và những thực phẩm có tính axit cao nhưng nhớ bổ sung một lượng canxi vừa đủ.
- Hạn chế uống nhiều đồ uống có ga, nước ngọt, đồ ngọt.
- Rèn luyện thể dục thể thao thường xuyên và bạn hãy tìm cách giảm đúng cách.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và theo dõi sỏi thận (nếu có).
Sỏi thận là nguồn gốc sinh ra nhiều loại bệnh thận nguy hiểm, chính vì vậy các bạn hãy chủ động phòng ngừa. Thay vì lo lắng không biết sỏi thận bao nhiêu là nguy hiểm, các bạn hãy kiểm tra sức khỏe thường xuyên để bác sĩ có chuyên môn đánh giá và tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho mình. Liên hệ ngay Phòng khám Đa khoa Pháp Anh khi bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe bất thường nhé.