Hiện nay, số lượng người bệnh thận mạn tính đang tăng cao và sức khỏe của họ bị ảnh hưởng không hề nhỏ. Do đó, việc tìm hiểu các thông tin liên quan đến các giai đoạn bệnh thận mạn tính sẽ giúp chúng ta phát hiện sớm và tìm được phương pháp điều trị hiệu quả thông qua triệu chứng cũng như phương pháp phòng ngừa.
1. Thông tin chung về bệnh thận mạn tính
Bệnh thận mạn tính (Chronic Kidney Disease – CKD) là tình trạng thận hoạt động kém hiệu quả hoặc ngừng hoạt động. Nó không thể loại bỏ các chất thải và lượng nước dư thừa ra khỏi máu, kéo dài hàng tháng đến vài năm và không thể phục hồi.

Theo số liệu thống kế, hiện nay suy thận đã ảnh hưởng đến 5 triệu người Việt Nam và trong số đó, khoảng 26 nghìn người đã rơi vào tình trạng bệnh thận mạn tính, suy thận giai đoạn cuối và bắt buộc phải chạy thận nhân tạo. Chưa dừng lại ở đó, mỗi năm lại có thêm 8 nghìn ca mắc mới tác động lớn đến sức khỏe, tinh thần và kinh tế gia đình của người bệnh.
2. Nguyên nhân bệnh thận mạn tính
Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến bệnh thận mạn tính:
- Mắc bệnh tiểu đường loại 1, loại 2
- Tăng huyết áp
- Tắc nghẽn đường tiết niệu
- Trào ngược bàng quang niệu quản
- Các bệnh lý về thận như viêm cầu thận, viêm bể thận, thận đa nang,… hoặc từng bị chấn thương thận cấp tính

Ngoài những nguyên nhân trên thì tuổi tác, béo phì, mắc các bệnh lý liên quan đến tim, tiền sử gia đình mắc bệnh thận mạn tính hoặc suy thận, thường xuyên hút thuốc lá hoặc sử dụng các sản phẩm từ thuốc lá,… cũng là những yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh thận.
3. Các giai đoạn bệnh thận mạn tính
Bệnh được đánh giá bằng cách xét nghiệm máu về mức lọc cầu thận ước tính (eGFR) và xét nghiệm nước tiểu về tỷ lệ albumin creatinin trong nước tiểu (uACR). Dựa vào đó, các bác sĩ chia bệnh thận mạn tính thành 5 giai đoạn cơ bản và mỗi giai đoạn kéo dài từ 3 tháng trở lên.

Giai đoạn 1:
Chỉ số eGFR từ 90 trở lên và nếu mức uACR cao hơn 30 thì nguy cơ bệnh thận mạn tính sẽ tiến triển xấu đi. Nhưng khi chỉ số uACR thấp hơn 30, nguy cơ bệnh CKD tiến triển sẽ thấp và có thể không bị bệnh thận mạn tính nếu không có bất kỳ tổn thương thận nào khác.
Triệu chứng thường gặp: Thường không có triệu chứng hoặc xuất hiện các triệu chứng liên quan đến loại tổn thương thận. Ví dụ: Nếu bạn bị albumin niệu thì nước tiểu có bọt.
Giai đoạn 2:
Chỉ số eGFR nằm trong khoảng 60 – 89 và giai đoạn này cũng tương tự giai đoạn 1 nên thường không có dấu hiệu nhận biết rõ ràng.
Giai đoạn 3:
Giai đoạn 3a:
Chỉ số eGFR từ 45 đến 59 và thận đã mất chức năng ở mức độ từ nhẹ đến trung bình.
Ngay cả khi uACR thấp hơn 30 thì bạn cũng có nhiều nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính nặng hơn và nguy cơ mắc bệnh tim. Người bệnh sẽ có một số triệu chứng như đi tiểu nhiều hoặc ít lần so với bình thường, da ngứa và khô, chán ăn, buồn nôn và mệt mỏi.
Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn này, nhiều biến chứng bắt đầu xuất hiện như thiếu máu, nhiễm toan chuyển hóa,… mà người bệnh cần chuẩn bị tâm lý.
Giai đoạn 3b:
Chỉ số eGFR từ 30 đến 45 và thận bị tổn thương ở mức độ trung bình hoặc nặng. Ở giai đoạn 3b, các triệu chứng bắt đầu trở nên rõ ràng hơn:
- Tần suất đi tiểu thay đổi (nhiều hoặc ít hơn)
- Da bị ngứa và khô
- Dễ mệt mỏi và thiếu tập trung
- Tê hoặc sưng ở cánh tay, chân, mắt cá,…
- Đau nhức cơ hoặc chuột rút
- Hụt hơi
- Ăn uống không ngon
- Buồn nôn, nôn
Giai đoạn 4:
Chỉ số eGFR rơi vào khoảng 15 – 29 và chức năng của thận đã suy giảm nghiêm trọng. Và do đã ở gần giai đoạn cuối nên người bệnh có nguy cơ bị suy thận và gặp các vấn đề về tim mạch rất cao.
Về triệu chứng thì cũng tương tự giai đoạn 3b nhưng có thêm mùi như amoniac trong hơi thở và khó ngủ. Người bệnh cần thường xuyên theo dõi sức khỏe vì có thể gặp các biến chứng như tăng kali máu, thiếu máu, rối loạn xương và khoáng,…
Giai đoạn 5:
Chỉ số eGFR dưới 15 và thận chỉ hoạt động dưới 15% so với mức trung bình của hai quả thận khỏe mạnh ở người trẻ tuổi. Chính vì lý do này, người bệnh cần chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận để duy trì sự sống.
4. Cách phòng ngừa bệnh thận mạn tính tiến triển nặng hơn
Ngoài sự giúp đỡ từ cơ sở y tế, chúng ta cũng cần thay đổi lối sống để làm chậm sự tổn thương thận và làm chậm quá trình tiến đến các giai đoạn bệnh thận mạn tính khác nặng hơn.
- Dừng lại ngay thói quen hút thuốc lá.
- Lựa chọn bộ môn thể thao phù hợp với thể trạng của mình và tập luyện đều đặn
- Cố gắng ngủ đúng sớm và đủ giấc.
- Ăn uống theo chế độ dinh dưỡng mà bác sĩ khuyến cáo và vệ sinh môi trường sống sạch sẽ
Rõ ràng, thường thì chúng ta sẽ khó phát hiện triệu chứng ở 2 giai đoạn đầu trong số các giai đoạn bệnh thận mạn tính. Chính vì vậy, thay vì để mắc bệnh thì Phòng khám Đa khoa Pháp Anh hy vọng các bạn hãy chủ động xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh, quan tâm đến sức khỏe từ sớm.