5 điều bạn có thể làm để chăm sóc sức khỏe ba mẹ
- Tăng huyết áp(cao huyết áp) là một bệnh lý rất phổ biến trong cộng đồng người cao tuổi. Đây là một bệnh lý mạn tính, đòi hỏi nỗ lực và sự cam kết tuân thủ điều trị kéo dài của bệnh nhân cũng như gia đình, nhằm kiểm soát tốt chỉ số huyết áp, phòng ngừa các biến chứng của căn bệnh này và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Nếu bố mẹ bạn là bệnh nhân tăng huyết áp (cao huyết áp), dù mới mắc hay đã lâu ngày, hãy tham khảo bài viết dưới đây để có được sự chăm sóc tốt nhất cho bố mẹ mình.
Theo dõi chỉ số huyết áp tại nhà theo đúng chỉ định của bác sĩ
- Tự theo dõi chỉ số huyết áp là một yếu tố quan trọng giúp bác sĩ có thể căn cứ vào đó để biết mức huyết ápcủa bệnh nhân đã được kiểm soát hay chưa, từ đó đưa ra các thay đổi phù hợp về thuốc cũng như chế độ sinh hoạt. Với phần lớn các bệnh nhân tăng huyết áp (cao huyết áp) là đối tượng người cao tuổi, việc sử dụng các máy đo huyết áp cũng như ghi nhớ chỉ số huyết áp hàng ngày gặp khá nhiều khó khăn. Hãy giúp bố mẹ bạn đo huyết áp hàng ngày (2-3 lần/ngày tùy theo chỉ định của bác sĩ), bảo đảm rằng bạn đo huyết áp đúng cách, vào cùng một thời điểm trong ngày và ghi lại các con số này. Đây sẽ là căn cứ giúp ích cho bác sĩ rất nhiều trong những lần bố mẹ bạn tái khám.
Bảo đảm rằng bố mẹ bạn đang dùng thuốc đúng và đủ liều lượng
- Đơn thuốc của bố mẹ bạn có thể khá phức tạp và bao gồm nhiều loại thuốc dùng vào các thời điểm khác nhau trong ngày. Hãy ghi lại các thông tin này vào 1 cuốn sổ nhỏ, hoặc đặt giờ trên điện thoại nhằm nhắc nhở bố mẹ bạn dùng thuốc đúng và đủ. Việc tuân thủ điều trị không những giúp kiểm soát tốt chỉ số huyết áp, mà nó còn làm hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm của căn bệnh này (như đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, suy thận…)
- Mặt khác, hãy đảm bảo rằng bố mẹ bạn không tự ý bỏ thuốc, hoặc sử dụng các thuốc khác mà chưa hỏi ý kiến bác sĩ điều trị.
Nhắc nhở bố mẹ về lịch khám hàng tháng
- Lịch hẹn khám này có thể thay đổi tùy theo mức độ bệnh của bố mẹ bạn. Hãy đặt lịch ghi nhớ để bố mẹ bạn không lỡ các lần hẹn khám lại này. Chúng đóng vai trò rất quan trọng nhằm giúp bác sĩ đánh giá lại tình trạng bệnh nhân, chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, đồng thời có sự thay đổi về thuốc và chế độ sinh hoạt nếu cần.
Nhận biết các dấu hiệu bất thường và nguy hiểm
- Hãy liên lạc với bác sĩ qua điện thoại nếu bố mẹ bạn có những dấu hiệu bất thường như đau đầu chóng mặt, huyết áp dao động, mệt mỏi… Nếu bố mẹ bạn có những dấu hiệu nguy hiểm như lơ mơ, gọi hỏi không biết, đột ngột méo miệng, yếu nửa người, ăn uống nghẹn sặc, đại tiểu tiện không tự chủ (gợi ý tai biến mạch não); hoặc tức ngực, khó thở (gợi ý nhồi máu cơ tim hoạc suy tim), hoặc mức huyết áptăng vọt quá cao… hãy NGAY LẬP TỨC đưa bố mẹ bạn tới phòng cấp cứu gần nhất để có hướng xử trí phù hợp.
Khuyến khích bố mẹ thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt dựa trên khuyến cáo của bác sĩ
- Chế độ ăn uống và sinh hoạt đóng vai trò quan trọng không kém gì thuốc trong việc kiểm soát huyết áp, cũng như ngăn chặn các biến chứng có thể xảy ra. Hãy tích cực động viên và nhắc nhở bố mẹ bạn thực hiện chế độ ăn phù hợp cho bệnh nhân tăng huyết áp(cao huyết áp) (ăn nhạt, hạn chế chất kích thích như rượu bia, cà phê), đồng thời tham gia các hoạt động thể thao theo khuyến cáo của bác sĩ.
- Tài liệu tham khảo.